Đường ống chính dẫn dầu và sản phẩm dầu - Quy phạm thi công và nghiệm thu - Phần 4

20 tháng 12 2018

6. Đặt đường ống xuống hào

6.1. Khi đặt đường ống xuống hào và lấp hào cần bảo đảm.

- Ống và lớp bọc ống nguyên vẹn.

- Đường ống nằm sát đáy hào.

- Đường ống nằm đúng vị trí thiết kế.

6.2.Tuỳ điều kiện thực địa, phương pháp thi công, phương tiện dùng để thi công, có thể áp dụng các biện pháp đặt ống xuống hào như sau:

a) Đặt ống xuống hào ngay khi máy bọc ống đi qua theo dây chuyền liên tục vừa bọc, vừa đặt.

b) Đặt các đoạn ống đã đủ lớp bọc ống từ mép hào xuống hào bằng máy nâng ống hoặc bằng thủ công.

c) Kéo hoặc đẩy…(lao ống) các đoạn ống đã đủ lớp bọc ống và lớp bọc chống va chạm cơ hoặc từ các bãi thi công theo dọc đáy hào hoặc trên nước trong hào.

Khi thi công theo các biện pháp 6.2 phải đặt ống xuống hào không chậm quá 3 ngày sau khi đã bọc xong ống.

Thi công theo 6.2 còn phải tính độ dài đoạn ống sao cho không tạo ứng lực trong ống.

6.3. Khi đặt các đoạn ống từ mép hào xuống hào bằng máy nâng ống phải.

a) Không được tạo ra động tác giật mạnh, không va chạm ông vào thành và đáy hào.

b) Không được tạo ra uốn ngang, uốn đứng bằng cách:

- Phải tính toán khoảng cách các điểm cẩu, số lượng điểm cẩu cần thiết.

- Độ cao nâng đoạn ống không được quá 1m khi có 3 máy nâng, không quá 0,8m khi có 2 máy nâng.

- Dùng dây cáp mềm có lót cho khỏi hỏng lớp bọc ống để buộc điểm cẩu.

6.4. Không nên đặt ống bằng phương pháp cẩu ống xuống hào khi lớp bọc ống bằng bitum có nhiệt độ lớn hơn +35OC.

6.5. Khi đặt đường ống trong vùng đất trượt hoặc đất có lẫn đá dăm, sỏi hạt to, và các vật rắn khác, cần phải bảo vệ lớp bọc ống khỏi bị hư hỏng bằng một trong các biện pháp sau:

a) Lót một lớp đất mềm hoặc cát mịn đệm ở đáy hào không nhỏ hơn 10cm.

b) Bọc bên ngoài lớp bọc ống bằng các thanh nẹp gỗ, nẹp tre, cây cói, rơm…

c) Đặt lót một lớp cây cối, rơm rạ…ở đáy hào, khi đoạn ông đè lên lớp đệm nay thì độ dày không nhỏ hơn 10cm.

6.6. Kéo hoặc đảy ống trên nước trong hào phải có phao đặc biệt đỡ đầu ống và cần có biện pháp bảo ddảm dầu ống không bị cắm vào thành và đáy hào.

6.7. Trước khi lấp hào cần kiểm tra lại vị trí đường ống theo thiết kế xem lại chất lượng lớp bọc ống. Các kết quả kiểm tra có xử lí, đều ghi thành văn bản.

6.8. Khi lấp hào bằng đất có lẫn đá dăm, sỏi hạt to hoặc các vật rắn khác, phải bảo vệ lớp bọc ống khỏi bị hư hỏng bắng 1 trong các biện pháp sau:

a) Phủ một lớp đất mềm, lớp cát lên đường ống không nhỏ hơn 20cm.

b) Bọc bên ngoài lớp bọc bằng các thanh nẹp gỗ, nẹp tre, cây cói, rơm rạ…

c) Phủ lên đường ống một lớp cây cối, rơm rạ… không nhỏ hơn 20cm.

Chú thích: trong hào có nước sâu hơn 0,3m, phải được tát cạn nước mới lấp hào.

7. Thi công đường ống dẫn chính vượt quá chướng ngại tự nhiên và nhân tạo

7.1. Chương này dùng để thi công đường ống dẫn chính vượt qua chướng ngại tự nhiên (ao, hồ, suối, sông…) và nhân tạo (đường sắt, đường ôtô, kênh mương…) không dùng để thi công đường ống chung.

7.2. Các đoạn vượt phức tạp phải có thiết kế thi công riêng, còn các đoạn vượt đơn giản theo thiết kế thi công chung.

7.3. Chiều rộng đáy hào dưới nước, nếu đường ống có gia tải không được nhỏ hơn chiều rộng khối gia tải cộng thêm 1m. Nếu đường ống không có gia tải, không nhỏ hơn 1,5 đường kính ống (kể cả lớp bọc ống).

7.4. Khi kéo đường ống theo đáy hào hoặc qua ống lồng phải có biện pháp bảo vệ bọc ống chống ăn mòn khỏi bị hư hỏng do va chạm cơ học.

7.5. Trên các khối gia tải được gia công sẵn, cần ghi đầy đủ thể tích trọng lượng, kích thước.

7.6. Khi thi công các đoạn vượt ở nơi có giao thông đi lại (đường ôtô đường thuỷ…) phải bảo đảm không làm cản trở việc giao thông và phải có biển báo cho các phương tiện giao thông biết để đề phòng tai nạn.

7.7.Trước khi thi công đoan vượt qua chướng ngại nước phải làm đầy đủ các công tác chuẩn bị sau:

a) Cắm mốc hướng tuyến.

b) Cắm biển báo nguy hiểm ở thượng, hạ lưu đoạn sông có phương tiện qua lại.

c) Cắm mia theo dõi mức nước hoặc đặt trạm đo nước.

d) Đo độ cao mặt đáy chướng ngại nước, chỗ đường ống vượt qua.

e) Lặn quan sát dải rộng

D = B+6 (m) - (7-1)

B: chiều rộng đáy hào tính bằng m

7.8. Kết quả đo độ cao mặt đáy chướng ngại nước:

a) Chênh lệch độ cao đo, so với thiết kế có giá trị tuyệt đối bé hơn hoặc bằng 0,5m thì:

- Nếu cao hơn trị số ghi trong thiết kế thì phải đào hào đến độ cao đáy hào ghi trong thiết kế.

- Nếu thấp hơn trị số ghi trong thiết kế thì phải đào hào đúng bằng độ sâu ghi trong thiế kế.

b) Chênh lệch độ cao đo, so với thiết kế có giá trị tuyệt đối lớn hơn 0,5m thì phải có ý kiến xử lí của thiết kế.

Vẽ lại mặt cắt dọc thực tế lức thi công của đáy hào.

7.9. Nếu đường ống dẫn chính chôn ngầm ở mặt đáy chướng ngại nước thì phải đào hào hoặc hạ chìm đường ống vào trong đất bằng với phun thuỷ lực.

7.10. Nếu hạ chìm đường ống vào trong đất bằng vòi phun thuỷ lực cần xác định đủ số lượng vòi phun và khoảng cách giữa các vòi phun để ống sẽ tự hạ chìm cùng một lúc vào trong đất.

7.11. Nếu đào hào dưới nước thì có thể dùng các phương pháp sau:

- Nổ mìn;

- Vòi phun thuỷ lực;

- Thiết bị cào đất;

- Máy đào đất đặt trên phương tiện nổi;

- Các phương tiện đào hào chuyên dụng v.v…;

- Tàu hút bùn.

Dù dùng phương pháp nào cũng phải bảo đảm mái dốc hào đúng như thiết kế, nếu thiết kế không quy định mái dốc thì lấy mái dốc theo bảng 1 chương 3 của tiêu chuẩn này.

7.12.Tổng các đoạn hàn nối ống để đặt ở lòng sông phải có chiều dài lớn hơn chiều dài phần lòng sông. Khi hàn nối xong, tiến hành thử thuỷ lực sơ bộ.

Pthử = 1,25pL.V

Pthử: áp suất lúc thử tính bằng N/cm2

PL.V:áp suất lúc làm việc tính bằng N/cm2

7.13. Khi đào hào xong, phải kiểm tra suốt dọc hào, do độ sâu hào thực tế, lập biên bản nghiệm thu hào theo đúng yêu cầu của chương 13.

Nghiệm thu hào xong, phải tiến hành đặt đường ống xuống hào ngay , không để chậm quá 24giờ.

7.14. Khi đào hào bằng máy đào chỗ sát mép nước ở bờ sông phải bố chí các neo giữ, các tấm lót. Số lượng và phương pháp neo giữ phải xác định bằng tính toán bảo đảm máy đào không bị lật hoặc trượt.

7.15. Các biện pháp kĩ thuật và thời gian thi công đặt đường ống qua đê phải được cơ quan quản lí đê nhất trí bằng văn bản.

7.16. Trước khi đặt đường ống xuống hào phải đo tốc độ dòng nước. Khi tốc độ dòng nước lớn hơn so với thiết kế, phải có biện pháp chống trôi đường ống.

7.17. Thi công đoạn sông có ảnh hưởng thuỷ triều, phải chú ý chọn thời gian đặt đường ống qua sông lúc tốc độ dòng nước nhỏ nhất và có biện pháp xử lý lúc tốc độ dòng nước tăng lên quá lớn.

7.18.Khi thi công nếu gặp đất đá cứng ở đáy hào mà trong thiết kế không có thì trước khi đặt đường ống xuống hào cần rải 1 lớp cát hoặc đất mềm không nhỏ hơn 20cm. Sau khi đặt đường ống xuống hào cần rải một lớp cát hoặc đất mềm dày 20cm phủ lên đường ống.

Không thể dùng phương pháp kéo ống ở địa hình này.

7.19.Trước khi đặt đường ống dẫn khí với bất kì đường kính nào và đường ống dẫn dầu,sản phẩm dầu với đường kính lớn hơn 500mm phải kiêm tra độ nổi thực tế của đường ống. Nếu độ nổi này lớn hơn so với thiết kế, thì phải có biện pháp chống nổi cho đường ống thích hợp và lập biên bản có xác nhận của bên giao thầu và bên thiết kế.

7.20. Khi đặt đường ống bằng phương pháp kéo, cần kiểm tra chất lượng và chiều dài các loại cáp sẽ dùng.

7.21. Đặt đường ống bằng cần cẩu nổi xuống hào, phải tính khoảng cách điểm cẩu, vị trí các phao đỡ trung gian từ cần cẩu nổi đến chỗ ống đang ở sát đáy hào.

7.22. Đặt đường ống từ phao nổi xuống hào, phải kiểm tra các điểm buộc phao, điểm hàn để bảo đảm đặt đường ống đúng tâm hào trước khi cắt dây cho đường ống rơi đúng hào.

7.23. Đối với đoạn vượt sông có từ 2 nhánh ống trở lên, phải thi công từ nhánh hạ lưu đến nhánh thượng lưu.

7.24. Sau khi đặt đường ống qua sông xong, phải lặn quan sát đường ống đã đặt, đo độ cao đỉnh ống (có cùng hệ độ cao với bản vẽ thiết kế) và vẽ mặt cắt dọc đường ống thực tế.

7.25. Phải chèn đất vào những chỗ đường ống không nằm sát đáy hào.

7.26. Trước khi lấp hào, phải thử thuỷ lực đường ống trong phạm vi giữa 2 hố van (kể cả 2 hố van).

7.27. Lấy đất đến cao trình thiết kế, nhưng không cao hơn đáy sông cũ.

7.28. Các biện pháp kĩ thuật và thời gian thi công đoạn vượt của đường ống dẫn chính qua đường sắt và đường ô tô phải được sự thoả thuận của các cơ quan quản lý đường đó nhất trí bằng văn bản.

7.29. Đối với các loại đường không được phép ngừng giao thông, không được phép làm ảnh hưởng tới lưu lượng, tốc độ xe đi trên đường, có thể áp dung các biện pháp:

- Khoan ngang;

- Xuyên nén đường ống bằng kích thuỷ lực hay máy chấn đông có lấy đất hoặc không lấy đất ra;

- Làm cầu tạm bằng ống thép, thép hình hoặc các vật liệu có độ bền tương đương.

7.30. Đối với các loại đường không được phép ngừng giao thông, nhưng không được phép giảm lưu lượngvà tốc độ xe chạy trên đường, có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Làm đường tạo rẽ vòng qua chỗ thi công;

- Đào hào để thi công từng nửa đường một.

7.31. Phải gia cố bảo đảm chỗ đường ống vượt qua đường không bị lún, xói.

7.32. Phải bảo đảm cách điện giữa đường ống dẫn chính và ống lồng.

7.33. Phải thi công các trình vượt nổi có cấu trúc dạng dầm treo, vòm và các cấu trúc khác phải tuân theo các yêu cầu của tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu các công trình cầu và đường ống.

7.34. Thi công mố trục phải tuân theo tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu các công trình nền và móng.

7.35. Đối với đoạn vượt nối dạng dầm có một nhịp, chiều dài đoạn đường ống được hàn nối sẵn phải đủ phủ hết nhịp đó. Trường hợp đoạn vượt có nhiều nhịp chiều dài đoạn đường ống được hàn nối sẵn phải đủ phủ hết tất cả chiều dài cho các nhịp đó hoặc từng vài nhịp một.

Xem lại: Đường ống chính dẫn dầu và sản phẩm dầu - Quy phạm thi công và nghiệm thu - Phần 3

Xem tiếp: Đường ống chính dẫn dầu và sản phẩm dầu - Quy phạm thi công và nghiệm thu - Phần 5