Zalo QR
Sau khi Sabeco về tay người Thái và Carlsberg đang đẩy nhanh việc trở thành cổ đông chi phối tại Habeco, chỗ của các doanh nghiệp nội tại thị trường bia chỉ còn rất chật hẹp.
Thị trường bia Việt thực chất là cuộc chơi của các đại gia ngoại, khi nhiều thương hiệu Việt đã xóa sổ, bán mình, hoặc số ít còn lại vẫn loay hoay tìm chỗ đứng.
Vai trò thống lĩnh của các đại gia ngoại
Chia sẻ tại Hội nghị Tầm nhìn 2020 của ThaiBev cách đây không lâu, ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco, đã cho biết Sabeco dưới triều đại Thaibev có thể sẽ là một quân bài tẩy chiến lược giúp tập đoàn này cán đích mục tiêu 50% doanh thu ở nước ngoài đến năm 2020. Theo báo cáo của tập đoàn này, doanh số năm 2017 của hãng là 8,7 tỷ USD trong đó 60% đến từ thị trường Thái Lan, 36% đến từ các nước ASEAN khác.
ThaiBev cho rằng thương hiệu bia đến từ Việt Nam đủ mạnh để khai thác cả thị trường Đông Dương và Myanmar trong kế hoạch của họ.
Thực tế, chỉ riêng việc mua lại 53,39% vốn tại Sabeco đã đủ khiến thị phần của Thaibev ở khu vực ASEAN tăng từ 23% lên 26%, theo Bangkok Post.
Việc gia tăng thị phần trong khu vực ASEAN của ThaiBev, thực chất đến từ thị phần mà Sabeco đang nắm giữ tại Việt Nam. Sabeco hiện nắm giữ thị phần lớn nhất, với 42,2%. Điều này đồng nghĩa đại gia Thái Lan đang thực sự sở hữu hơn 22% lợi ích tại thị trường bia Việt, vốn có sức tiêu thụ cao nhất khu vực, và thứ 3 ở châu Á, chỉ sau Nhật và Trung Quốc.
Mới đây, HĐQT công ty Sabeco cũng đã thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp. Điều này không loại trừ khả năng nếu Bộ Công Thương có ý định thoái nốt 36% vốn tại Sabeco, tỷ phú Thái với Thaibev khi đó hoàn toàn có thể đứng ra thâu tóm mà không cần phải thành lập thêm pháp nhân nào tại Việt Nam như cách sử dụng VietBev.
Giới phân tích cũng cho rằng ThaiBev sẽ sớm chuyển giao Sabeco về chịu sự quản lý trực tiếp để rút ngắn đường dây sở hữu cũng như tái cơ cấu năng lực tài chính doanh nghiệp con của mình.
Với Heineken, thông qua 4 thương hiệu bia chính gồm Heineken, Tiger, Larue và Amstel hãng bia này đang sở hữu gần 22% thị phần tiêu thụ bia tại thị trường Việt (2017). Đặc biệt, Heineken gần như thống lĩnh phân khúc cao cấp với khoảng 67% thị phần, trong đó 40% thuộc về thương hiệu Tiger và 27% thuộc về thương hiệu Heineken.
Số một tại phân khúc cao cấp giúp Heineken thu về khoản lợi nhuận kếch xù hàng nghìn tỷ đồng hàng năm dù không phải hãng bia lớn nhất tại Việt Nam. Hiện hãng này sở hữu 5 nhà máy, trong đó 3 tại miền Nam và 2 nhà máy tại miền Trung, đây cũng là 2 thị trường trọng điểm của công ty này.
Riêng với trường hợp của Carlsberg, sau khi thâu tóm toàn bộ lợi ích tại nhà máy bia Huế, hãng bia đến từ Đan Mạch này đang đứng thứ 4 thị trường với 9,7% thị phần tiêu thụ. Theo tiết lộ từ công ty, mỗi khách hàng của hãng này tiêu thụ tới 34,5 lít bia/năm chỉ tại thị trường Việt.
Số thị phần này của Carlsberg vẫn chưa tính tới 17,34% lợi ích của hãng tại Habeco.
Habeco hiện sở hữu thị phần lớn thứ 3 trong nước với gần 22%. Tính theo tỷ lệ sở hữu của Carlsberg tại đây, hãng bia Đan Mạch đang ngầm sở hữu thêm gần 4% lợi ích trong thị trường bia Việt.
Đặc biệt, kể từ khi trở thành cổ đông chiến lược tại Habeco, hãng này luôn thể hiện mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên trên 51%. Lãnh đạo hãng này cũng cho hay đang làm việc với Bộ Công Thương để sớm thúc đẩy thương vụ thoái vốn này.
Nếu Carlsberg trở thành cổ đông chi phối hoạt động tại Habeco, gần như thị trường bia Việt sẽ không còn là cuộc chơi của doanh nghiệp trong nước khi phần lớn lợi ích đã nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại.
Doanh nghiệp Việt hoặc bị mua lại, hoặc loay hoay
Nhìn vào thị trường bia Việt, cuộc chơi giờ đây hầu như bị định đoạt bởi các đại gia ngoại. Những thương hiệu Việt đang dần vắng bóng. Không ít trường hợp, sau thời gian hợp tác liên doanh với đại gia ngoại thì đều được đối tác nước ngoài mua lại 100% và lợi ích, biến nó thành doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam.
Sapporo là một ví dụ. Sau khi mua lại 29% cổ phần của Vinataba tại Công ty Sapporo Việt Nam vào năm 2015, doanh nghiệp này chính thức trở thành công ty 100% vốn của Sapporo International Inc (Nhật Bản).
Lãnh đạo công ty này từng tiết lộ tuy chưa có lãi tại thị trường Việt Nam nhưng công ty đang tích cực tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu, hiện đứng thứ 3 tại thị trường TP.HCM sau Sabeco và Heineken.
Theo thống kê của Eurominitor, hãng bia Nhật này đang sở hữu khoảng 1,7% thị phần tiêu thụ bia trong nước vào năm 2017.
Những bước đi của Carlsberg tại thị trường Việt cũng tương tự. Gia nhập thị trường từ việc liên doanh với đối tác Việt thành lập Công ty TNHH Bia Huế, chủ sở hữu thương hiệu Huda từ năm 1994.
Nhưng sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng công ty liên doanh, cuối 2011, Carlsberg đã chính thức chi 1.875 tỷ đồng mua lại 50% phần vốn còn lại từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua đó chính thức thâu tóm 100% lợi ích tại bia Huda Huế.
Các hãng bia ngoại có những bước đi tương đối giống nhau để thâm nhập thị trường bia Việt. Ảnh: Bloomberg.
Một trường hợp khác được hãng bia ngoại áp dụng “chiêu” này là thương hiệu bia Zorok với sự tham gia của ông lớn Vinamilk.
Năm 2006, Vinamilk liên doanh với tập đoàn sản xuất bia nổi tiếng thế giới SABmiller để thành lập Công ty SABmiller Việt Nam. Nhà máy bia SABmiller chính thức ra đời vào đầu năm 2007 và cho ra đời thương hiệu Zorok.
Tuy nhiên, việc bán bia qua kênh phân phối sữa gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các nhãn hiệu quốc tế trên thị trường như Tiger, Heineken, San Miguel… với kênh phân phối rõ ràng. Chỉ sau 2 năm với hiệu quả không cao, Vinamilk đã phải buông toàn bộ cổ phần sở hữu cho phía SABmiller.
Không lâu sau đó, chính SABmiller cũng đã phải bán toàn bộ hoạt động của mình tại Việt Nam cho hãng AB InBev vì tình hình kinh doanh kém khả quan.
Đến nay, không tính Zorok và Miller tiếp quản từ SABmiller, AB InBev cũng sở hữu thương hiệu Budweiser và Beck's đều là những thương hiệu cao cấp nhưng kết quả kinh doanh của hãng vẫn chưa đạt nhiều hiệu quả.
Thị trường Việt Nam cũng xuất hiện một số thương hiệu bia 100% vốn trong nước nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay và không dễ chen chân. Trong khi Laser của Tân Hiệp Phát đã bị chết yểu sau 8 tháng xuất hiện thì Sư Tử Trắng của Masan vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên chính sân nhà của mình.
Nguồn: Valve Men tổng hợp từ internet./.