Zalo QR
Ngày nay, có các quán cà phê phù hợp cho mọi khẩu vị, từ những nhà cung cấp sản phẩm đại trà những thức uống ngọt, nhiều kem có vị cà phê cho đến các quán cà phê thủ công phục vụ cà phê pour-over bằng loại cà phê nhập từ một trang trại xác dinh (single-estate).
Thay đổi nhờ cách tân
Mỹ cũng là nơi bắt nguồn những đổi mới quan trọng, để cà phê trở thành một món hàng hợp túi tiền trong mọi gia đình trên khắp thế giới.
Vào năm 1900, một công ty tên là Hill Bros bắt đầu đóng cà phê vào trong các hộp hút chân không. Kéo dài hạn sử dụng theo cách này có nghĩa là sẽ có ít gia đình phải tự rang lấy cà phê, nhưng cũng khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn với những công ty rang nhỏ ở địa phương.
Một năm sau, một nhà hóa học người Nhật tên là Satori Kato nhận bằng sáng chế cho phương pháp sản xuất cà phê uống liền, hay cà phê hòa tan. Cho đến gần đây, ông vẫn được coi là người đầu tiên sản xuất loại cà phê này, nhưng những khám phá mới đây ghi nhận phát minh này cho David Strang ở New Zealand vào năm 1890.
Phương pháp này đề cao sự tiện dụng hơn là chất lượng, nhưng nó khiến cho việc uống cà phê trở nên dễ dàng hơn (không nhất thiết là rẻ hơn) với rất nhiều người. Ngày nay, cà phê hòa tan vẫn cực kỳ phổ biến trên khắp thế giới.
Ở châu Âu, các phát minh chủ yếu tập trung nhiều vào cà phê ở quán hơn là ở nhà. Có rất nhiều người tuyên bố mình sáng chế ra chiếc máy espresso đầu tiên, nhưng các đơn cấp bằng sáng chế sử dụng những nguyên lý này bắt đầu được nộp từ năm 1884. Luigi Bezzera đăng ký sáng chế cho chiếc máy của ông vào năm 1901, và ông thường được ghi nhận là người đã phát minh ra máy espresso.
Những chiếc máy này cho phép người phụ trách quán cà phê nhanh chóng pha chế được rất nhiều cốc cà phê với kích cỡ và nồng độ giống như cà phê lọc. Bước nhảy vọt vĩ đại trong công nghệ espresso là việc sử dụng một lò xo cỡ lớn để tạo ra áp suất cực cao. Achille Gaggia tuyên bố quyền sở hữu sáng chế này vào năm 1945, mặc dù cách mà ông có được bằng sáng chế này vẫn hơi mờ ám.
Cách pha chế bằng áp suất cao này tạo ra thứ espresso mà chúng ta biết ngày nay: một cốc cà phê nhỏ, đậm đặc, bên trên phủ một lớp bọt màu nâu sẫm, gọi là crema.
Sự bùng nổ các quán espresso diễn ra ở rất nhiều thành phố vào những năm 1950, 1960 cũng có giá trị văn hóa nhiều như lượng cà phê được tiêu thụ vậy. Tuy nhiên, từ góc độ kỹ thuật, espresso hoàn hảo cho các quán cà phê vì một chiếc máy giờ có thể nhanh chóng pha chế ra nguyên một dòng các loại thức uống.
Cà phê ngày nay
Không thể viết về thói quen uống cà phê hiện đại mà không bàn về Starbucks. Công ty này khởi nguồn từ việc rang và bán hạt cà phê trong một cửa hàng ở Seattle, nhưng nó đã được Howard Schultz thay đổi hoàn toàn trở thành hiện tượng toàn cầu mà chúng ta biết đến ngày nay.
Schultz tuyên bố là được truyền cảm hứng bởi những chuyến đi đến Italy của ông, mặc dù trải nghiệm ở Starbucks là hoàn toàn xa lạ với một người sinh ra ở Italy. Starbucks và các doanh nghiệp tương tự, chắc chắn là đã rải đường cho sự phát triển của cà phê đặc sản mà chúng ta thấy trên khắp thế giới ngày nay. Starbucks làm cho cà phê trở thành một thức uống không-phải-ở-nhà phổ biến hơn nữa, và nâng cao kỳ vọng đối với giá thành của một cốc cà phê. Công ty này vẫn có tầm ảnh hưởng khổng lồ, và đang tiên phong trong việc phát triển thói quen uống cà phê ở các thị trường mới như Trung Quốc.
Thứ định nghĩa cà phê đặc sản hiện đại là sự tập trung vào xuất xứ của cà phê, và tác động của nhân tố này đến hương vị cà phê. Sự tập trung này ảnh hưởng đến cách mà các quán pha chế, bán và phục vụ cà phê. Việc uống cà phê đã tiến triển từ một sự kích thích đơn giản vào buổi sáng trở thành sự thể hiện bản ngã, sự thể hiện giá trị hay sự thể hiện tiêu dùng có ý thức. Hiện nay, cà phê đã len vào vô số các nền văn hóa khắp thế giới.
Sưu tầm và biên soạn:https://valve.vn/