Hoài bão tuổi trẻ
Từng làm kỹ sư cơ khí cho một công ty ô tô của nước ngoài tại Việt Nam với lương nghìn đô, những năm tháng làm ở đây cũng là cơ hội để chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Huy tiếp xúc nhiều với bạn bè người Pháp.
“Một vài người bạn tôi gặp luôn đặt câu hỏi về ca cao Việt Nam, về quá khứ hàng trăm năm trước người Pháp từng mang ca cao qua Việt Nam, cũng như chất lượng vượt bậc của hạt ca cao xứ mình mà thực sự bấy giờ tôi chưa hề biết đến”, Huy nhớ lại.
Theo đó, hơn 10 năm trở lại đây Việt Nam nổi lên là quốc gia có loại ngon nhất trên thế giới do sở hữu giống ca cao Trinitario chiếm 15% sản lượng ca cao toàn cầu. Đây là giống lai giữa 2 giống ca cao Forastario và Criollo với năng suất cao của Forastario và hương vị quý hiếm nhất của Criollo.
Tiềm năng là thế nhưng những chuyến đi dọc miền Tây, đưa Huy đến với chợ Gạo – Tiền Giang chứng kiến những vựa ca cao từng bạt ngàn rực rỡ cứ dần một thu hẹp, khiến chàng trai không khỏi tò mò. Tìm hiểu thêm, anh biết do không tìm được đầu ra cho hạt ca cao nên công ty dừng thu mua, vì thế hợp tác xã cũng đóng cửa. Vậy là những quả ca cao chín vàng không níu giữ nổi bà con. Họ chẳng còn mặn mà canh tác, những vườn ca cao ngã xuống thay thế bằng những cây hoa màu khác.
“Có lần tôi hỏi các bác nông dân: chocolate thì sao? Tại sao chúng ta không tự sản xuất chocolate?. Các bác cười bảo, chưa từng biết nó được làm ra như thế nào. Thậm chí còn chưa từng ăn chocolate bao giờ. Các chú còn trẻ, được học hành thì giúp bà con. Nghe đến đó, tôi nhận ra mình phải làm điều gì đó”, Hồng Huy bắt đầu kể với phóng viên về hành trình khởi nghiệp như thế.
Luôn tâm niệm, cuộc đời vốn dĩ là hành trình đi tìm kiếm hạnh phúc, năm 2016, Huy bắt đầu cho hành trình ấy. Chàng thanh niên trẻ với giấc mơ đưa sản phẩm chocolate nội sánh ngang hàng với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Nhưng hành trình đó không dễ dàng. Tiếp xúc với bà con trồng ca cao Huy mới nhận ra nhiều vấn đề nan giải.
“Hành trình từ hạt ca cao lên men cho đến chocolate, thực tế mới thấy đây đúng là một ngành đòi hỏi sự kiên trì và đam mê cực kì lớn. Để sản xuất thành chocolate thôi, chưa kể chocolate thượng hạng phải trải qua tới 10 công đoạn, máy móc vô cùng hiện đại. Tôi nhận ra hệ thống máy móc châu Âu, đặc biệt là Đức, Ý… cực kỳ đắt đỏ.
Trong khi đó, tôi khởi nghiệp chỉ với vốn ít ỏi dành dụm từ thời gian đi làm cho công ty Nhật, tài sản gần như chỉ có đam mê và khối óc. Phải nhập khẩu máy móc để sản xuất chocolate là điều không tưởng, vượt quá khả năng tài chính của tôi.
Có những đêm tôi mất ngủ với muôn vàn câu hỏi, chẳng lẽ mình phải dừng bước sao, nước ngoài làm được tại sao mình lại không?”, Huy nghèn nghẹn khi nói về những ngày đầu khởi nghiệp.
Vốn là dân kỹ sư cơ khí, trước khó khăn, Huy nghĩ: “Tại sao mình không tự chế tạo luôn dây chuyền sản xuất cho riêng mình, xa hơn là cho người Việt mình. Và biết đâu, hương vị cũng sẽ khác biệt? Và như thế rất có thể mai này chocolate sẽ đến gần với người Việt hơn khi người Việt có thể tự chủ mọi khâu?”.
Giấc mơ đang dần thành hiện thực
Nghĩ là làm, chàng trai có vóc dáng nhỏ bắt đầu quyết định làm ra máy Conching (máy nghiền ca cao) đầu tiên và tạm thời làm thủ công cho những công đoạn còn lại. Và Công ty TNHH Sô Cô La HALLELU chính thức ra đời và Nguyễn Hồng Huy giữ vai trò CEO & Founder.
Năm 2017, khi cơ bản tạo ra được những thỏi chocolate, bột ca cao, Huy quyết định mở một cửa hàng ngay tại trung tâm phố Tây – Bùi Viện, nơi giới thiệu sản phẩm và nghiên cứu sâu hơn khẩu vị của khách phương Tây. Không quá bất ngờ khi sản phẩm của Huy được du khách đón nhận, đánh giá cao.
CEO Nguyễn Hồng Huy và những sản phẩm socola được sản xuất từ nguyên liệu nội, máy móc nội do người Việt sáng chế.
Đầu năm 2018, khi dây chuyền máy móc được hoàn thiện, Huy quyết định nộp đơn xin nghỉ việc ở Toyota, toàn tâm toàn ý để làm chocolate và mở nhà máy sản xuất tại TP Thủ Đức.
Với dây chuyền gồm 10 công đoạn từ sử dụng máy móc hiện đại cho đến những khâu thủ công tỉ mỉ, các máy móc HALLELU chế tạo ra như máy conching với công suất 100kg/mẻ; máy ép bơ ca cao công suất 20kg/giờ; máy đổ khuôn và gia nhiệt (tempering) với công suất 40kg/mẻ… được Sở Khoa Học Công Nghệ TP.HCM đánh giá cao.
Đắm đuối với những mẻ chocolate đến… quên cả yêu, nhưng Huy cho biết anh rất hạnh phúc vì tạo ra được giá trị cho bản thân và cộng đồng. Trong tương lai HALLELU sẽ có những chính sách phối hợp với địa phương nhằm mở rộng nguồn nguyên liệu, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
“Nhiều bạn trẻ cũng giống như tôi, vốn liếng lớn nhất là đam mê và trái tim luôn khao khát những điều mới mẻ. Dẫu còn nhiều điều phải làm nhưng nhìn lại quãng thời gian qua đã không bỏ lỡ tuổi trẻ của mình.
Tuổi trẻ ai cũng chỉ có khát vọng và lòng can đảm làm hành trang, nhiều lúc cũng muốn chùn bước vì hình như mình đang quá liều lĩnh. Nhưng không, hành trình từ ý tưởng loé lên trong đầu cho tới thực tế cứ như một giấc mơ, nhưng giấc mơ ấy đã và đang thành hiện thực. Thật hạnh phúc khi ngành ca cao được sống dậy và được quay về đúng giá trị vốn dĩ”, Huy nói với tôi trước khi chia tay.
Sưu tầm và biên soạn: https://valve.vn/