Zalo QR
Doanh thu từ bia rượu giảm mạnh ở Nhật Bản đã khiến nước này thúc đẩy một chiến dịch tìm kiếm các giải pháp khuyến khích đồ uống có cồn trong giới trẻ.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, quán bar và các cơ sở bán rượu khác đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hạn chế về Covid-19, đẩy doanh thu của ngành, cùng với nguồn thu thuế từ mặt hàng này giảm mạnh ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Trước tình trạng đó, chính phủ Nhật Bản đã phát động một chiến dịch nhằm thúc đẩy tiêu thụ bia rượu trong nước, CNN đưa tin ngày 18/8.
Chiến dịch mang tên "Sake Viva!" (tạm dịch: Rượu sake muôn năm!), do Cơ quan Thuế Quốc gia giám sát, là một cuộc thi mời gọi người tham gia gửi các ý tưởng mới về dịch vụ, quảng cáo, sản phẩm, thiết kế, hay thậm chí kỹ thuật bán hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm “kích cầu rượu trong giới trẻ”, theo trang web chính thức của cuộc thi.
Chiến dịch khuyến khích bia rượu
“Thị trường đồ uống có cồn trong nước đang thu hẹp do những thay đổi về nhân khẩu học như tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số, thay đổi về lối sống do tác động của Covid-19”, trang web viết và cho biết thêm rằng cuộc thi nhằm “thu hút thế hệ trẻ” và để “hồi sinh ngành".
Cuộc thi kêu gọi ý tưởng quảng cáo cho tất cả loại rượu Nhật Bản, với thời gian đăng ký đến ngày 9/9. Các thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ được mời tham vấn chuyên gia vào tháng 10, trước vào giải đấu cuối cùng vào tháng 11 tại Tokyo. Người chiến thắng sẽ nhận được tài trợ nhằm thương mại hóa kế hoạch của họ, theo cơ quan thuế.
Một quán bar ở Shinjuku, Tokyo. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, chiến dịch của chính phủ đã vấp phải một số phản ứng trái chiều trên mạng
“Đùa à? Ít uống rượu bia là điều tốt mà!”, một người dùng Twitter viết.
Những người khác cho rằng việc cơ quan chính phủ khuyến khích người trẻ uống rượu bia là điều không phù hợp, và chiến dịch dường như không xem xét các nguy cơ sức khỏe hoặc tính nhạy cảm của vấn đề đối với những người nghiện rượu.
Bộ Y tế Nhật Bản trước đây đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc uống quá nhiều rượu. Trong một bài đăng trên trang web của mình vào năm ngoái, bộ đã gọi việc uống quá nhiều rượu là một "vấn đề xã hội lớn", thúc giục những người có thói quen uống rượu không lành mạnh "nhìn nhận lại" việc uống rượu của họ.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết dù không tham gia vào chiến dịch, họ tin rằng tinh thần của chương trình này phù hợp với quan điểm của bộ rằng người dân nên “uống rượu một cách có trách nhiệm”.
Cơ quan Thuế Quốc gia cho biết chiến dịch này nhằm khuyến khích tăng trưởng ngành chứ “không khuyến khích mọi người uống rượu quá mức”.
Doanh thu từ ngành rượu sụt giảm mạnh
Izakaya - một loại hình quán rượu ở Nhật Bản - đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề, với số liệu mới nhất cho thấy doanh số giảm một nửa từ năm 2019 đến năm 2020, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.
Japan Times trích dẫn dữ liệu gần đây của chính phủ cho thấy nguồn thu thuế từ rượu giảm mạnh 9,1% vào năm 2020 - nghĩa là chính phủ mất hơn 110 tỷ yen (813 triệu USD).
Quầy rượu tại một cửa hàng ở Ueno, Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/4. Ảnh: Bloomberg.
Con số đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất nguồn thu thuế từ bia rượu trong hơn 30 năm. Trong một báo cáo năm 2021, cơ quan thuế cho biết thuế đối với rượu là nguồn thu chính của chính phủ trong nhiều thế kỷ, nhưng đã giảm trong những thập kỷ gần đây. Nhật Bản thu được 1.100 tỷ yen (8,1 tỷ USD) thuế rượu vào năm 2021, chiếm 1,7% tổng doanh thu từ thuế, giảm so với 3% năm 2011 và 5% vào năm 1980.
Với ít cơ hội uống rượu ở nơi công cộng hơn do các hạn chế về Covid-19, tỷ lệ tiêu thụ rượu bán mang về "đã tăng lên đáng kể", bộ cho biết.
Tuy nhiên, tỷ lệ người uống rượu thường xuyên - tức từ 3 lần trở lên mỗi tuần - ở những người độ tuổi 20-30 đặc biệt thấp, chỉ 7,8%, so với mức 30% ở những người ở độ tuổi 40-60.
"Sự suy giảm thói quen uống rượu qua từng năm được cho là có tác động đến việc thu hẹp thị trường trong nước", bộ này cho biết.
Sưu tầm và biên soạn: https://valve.vn/