Nghiên cứu các công nghệ tách chiết hoạt chất, TS Nguyễn Đức Tiến và cộng sự Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tìm ra phương pháp để tách hàm lượng chất lentinan hỗ trợ điều trị bệnh ung thư nhờ sóng siêu âm từ nấm hương. "Phương pháp này cho hàm lượng lentinan cao gấp 1,6 lần và lượng chất khô hòa tan cũng cao gấp 2 lần trong khi thời gian trích ly giảm xuống khoảng 30 lần", TS Tiến nói.
TS Tiến cho biết, phương pháp sóng siêu âm để chiết xuất lentinan từ nấm hương đã được nhiều nước sử dụng, nhưng ở Việt Nam chưa phổ biển (thời điểm năm 2004 khi nhóm bắt đầu thực hiện nghiên cứu). Khi đó việc nhập ngoại một hệ thống máy móc giá thành cao không hề dễ dàng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã mày mò thiết kế chế tạo hệ thống trích ly nhờ ứng dụng sóng siêu âm, phù hợp với chi phí và các yếu tố về thời gian, nhiệt độ, cường độ sóng, dung môi.
Công nghệ này giúp thu lượng lentinan đạt khoảng 5,4% và lượng chất khô khoảng 17% so với nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, theo phương pháp truyền thống ở nhiệt độ khoảng 98oC trong 180 phút, dịch trích ly thu được hàm lượng lentinan chỉ đạt 4% và lượng chất khô thu được 8%.
Để tách chiết lentinan, nhóm nghiên cứu chọn lọc nấm hương đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm, sau đó sấy khô với độ ẩm 9-12%. Nấm này được đưa vào nghiền nhỏ thành bột và đưa vào hệ thống trích ly bằng sóng siêu âm với tỷ lệ dung môi/nguyên liệu là 8/1 (lít/kg), nhiệt độ 65oC, trong 6 phút. Ở bước cuối, bã được tách, dịch thu được đưa vào tinh chế để thu chế phẩm hoạt chất lentinan.
Đối với bệnh nhân điều trị ung thư, việc sử dụng hợp chất lentinan giúp kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư, tăng hiệu quả hóa trị, kéo dài thời gian sống. Vì vậy, việc tách chiết lentinan tại một số quốc gia trở thành một ngành công nghiệp có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.
Tại Việt Nam, nấm hương đa phần được sử dụng làm thực phẩm. Để chiết xuất các hoạt chất từ nấm, cách làm truyền thống là nghiền, khuấy trộn và dùng áp suất để phá vỡ tế bào chứa các hoạt chất bên trong. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí năng lượng cao, tốn thời gian, trong khi hàm lượng chất thu được trong dịch chiết không cao.
"Từ các nghiên cứu cơ bản cho đến ứng dụng, nhóm có thể trích ly một số hoạt chất trong các nấm, điển hình như lentinan từ nấm hương", ông nói và cho biết công nghệ này giúp loại nấm dồi dào ở Việt Nam có thể trở thành dược liệu trong thời gian tới.
Ngoài nấm hương, công nghệ có thể áp dụng cho nấm linh chi, nấm đầu khỉ. Sau khi nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ tách chiết này, nhóm nghiên cứu đã chuyển giao hệ thống cho doanh nghiệp với quy mô 1.000 lít hoạt chất chiết xuất mỗi mẻ. Bước tiếp theo, nhóm dự định nghiên cứu điều kiện nuôi trồng chăm bón như cơ chế ánh sáng, độ ẩm, thổ nhưỡng, thời gian thu hoạch để nấm có hoạt chất và hoạt tính sinh học cao nhất.
Nguồn: Valve Men Team tổng hợp từ internet./.