Nữ CEO quyền lực châu Á tiết lộ chuyện visa cho NutiFood vào Mỹ

03 tháng 10 2019

"Muốn bán sữa Việt vào Mỹ đã là chuyện không dễ, huống hồ còn là sữa đặc trị", CEO NutiFood chia sẻ về hành trình đưa sản phẩm chinh phục các thị trường khó tính.

Được  Forbes lựa chọn là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực của châu Á, CEO NutiFood Trần Thị Lệ vui, bất ngờ nhưng "thấy mình rất bình thường, vẫn chỉ là người phục vụ tận tụy cho các bà mẹ quyền lực là khách hàng".

Nữ CEO xuất thân từ bác sĩ chia sẻ với Zing.vn chỉ lo làm sao để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, hiệu quả nhất phục vụ người tiêu dùng chứ không hề nghĩ tới một ngày mình nhận được danh hiệu này, danh hiệu kia.

Không quan niệm phải là người thân thừa kế

- Bà là CEO trong khi chồng (ông Trần Thanh Hải) là chủ tịch công ty. Có khi nào xảy ra chuyện nhập nhằng giữa công việc và gia đình ảnh hưởng đến việc điều hành doanh nghiệp?

- Chúng tôi vận hành, quản trị hoạt động kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, có quy định rõ ràng, quy trình cụ thể nên không có chuyện nhập nhằng. Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, từng thành viên đều có chức năng và nhiệm vụ của mình.

Ở công ty, mỗi người được phân chia phụ trách chính một lĩnh vực và thỏa thuận với nhau có thể góp ý nhưng quyết định vẫn là của người được giao phụ trách lĩnh vực đó. Dĩ nhiên, chúng tôi thường lắng nghe và tiếp thu đóng góp của nhau. Còn ở nhà, tôi vẫn là một người vợ, người mẹ.

 

1
CEO NutiFood Trần Thị Lệ.
- Bà và chồng đã nghĩ đến thế hệ lãnh đạo tiếp theo hay chưa? Đó có phải là các thành viên trong gia đình?

- Trường hợp con cái của các gia đình có truyền thống kinh doanh nếu có tố chất, ham học hỏi và đủ tài năng, việc kế thừa sẽ phù hợp. Với con tôi cũng vậy, nếu cháu thật sự có năng lực. Đặc biệt, khi giữ các vị trí điều hành cao cấp, còn đòi hỏi người lãnh đạo sự hy sinh, cống hiến, kỷ luật bản thân.

Tuy nhiên, tôi không quan niệm người kế thừa phải là người thân. Ai làm tốt nhất cho doanh nghiệp sẽ được chọn. Ở NutiFood, chỉ cần có tài năng và khát khao muốn cống hiến cho công ty, bạn có thể trở thành thế hệ lãnh đạo tiếp theo, chứ không nhất thiết phải là thành viên trong gia đình.

Tôi luôn quyết tâm, kiên trì đào tạo và phát triển đội ngũ của mình. Hiện tôi chỉ làm chiến lược là chính. Còn lại anh chị em trong ban tổng giám đốc vận hành hàng ngày theo hệ thống, chuẩn mực của công ty. Nhân viên làm chung với mình trong nhiều năm, họ đóng góp, cống hiến, chúng tôi phải có trách nhiệm phát triển, đào tạo họ vì đó là điều xứng đáng.

2 năm để sữa NutiFood có visa vào Mỹ

- Gần đây, NutiFood có nhiều hoạt động mở rộng sang thị trường quốc tế. Bà tham vọng sẽ đứng ở đâu trên bản đồ sữa toàn cầu?

- Chúng tôi muốn sản phẩm có mặt ở mọi nơi trên thế giới và đang nỗ lực thực hiện tham vọng đó. Hiện chúng tôi đã có mặt ở Mỹ, Pháp, Philippines, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

Mới đây, chúng tôi đã đầu tư, vận hành nhà máy sữa tại Thụy Điển. Chắc chắn trong thời gian không lâu nữa, sản phẩm từ nhà máy sữa NutiFood Sweden AB sẽ có mặt ở nhiều nước châu Âu và châu Á.

- Để xuất khẩu được vào Mỹ vốn là thị trường khó tính nhất nhì thế giới, chắc hẳn doanh nghiệp phải trải qua nhiều khó khăn?

- Đúng là để có được “visa“ vào Mỹ, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, huy động mọi nguồn lực cho dự án.

Ai cũng biết Mỹ là nơi khai sinh ra các công ty sữa hàng đầu trên toàn cầu và là thiên đường của sản phẩm sữa đặc trị. Sữa đặc trị Mỹ chinh phục cả thế giới. Muốn bán sữa Việt vào Mỹ đã là chuyện không dễ, huống hồ còn là sữa đặc trị. Nhưng chúng tôi đã làm được bằng nỗ lực.

Đầu tiên, các chuyên gia dinh dưỡng của chúng tôi phải tìm hiểu đặc điểm thể trạng của trẻ em Mỹ. Khi thấy trẻ có nhu cầu, đồng nghĩa đã có điều kiện cần, các bác sĩ tiếp tục hoàn thiện điều kiện đủ là hương vị phù hợp cảm quan, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Sữa đặc trị là sản phẩm được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng. Chỉ một chút điều chỉnh cũng có thể làm thay đổi hương vị sữa như kẽm làm sữa tanh, sắt làm sữa đắng. Khẩu vị trẻ em Mỹ cũng khác với Việt Nam nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có thành phẩm phù hợp, được người dùng yêu thích.

 

2
Bà Trần Thị Lệ và bà Nguyễn Thị Phương Thảo là 2 nữ CEO Việt trong danh sách nữ doanh nhân quyền lực châu Á 2019


Để đo lường mức độ phù hợp cảm quan, chúng tôi phải thử nghiệm tại Mỹ trong hơn một năm, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kiểm tra chất lượng của FDA, tiếp nhận đánh giá của khách hàng qua hệ thống siêu thị Mỹ và ghi nhận phản hồi từ phía người dùng thử.

Bước quan trọng và khó khăn nhất là chất lượng sản phẩm phải được FDA chứng nhận để có tấm giấy thông hành xuất khẩu. Nhà máy đã đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) nhưng vẫn phải đầu tư thêm 1 triệu USD và mất hơn 6 tháng để kiện toàn nhà máy, dây chuyền sản xuất, con người mới đáp ứng những yêu cầu FDA đề ra.

Sau 2 năm đàm phán với đối tác, đồng thời làm việc với FDA, sản phẩm của chúng tôi có mặt tại Mỹ và được phản hồi tích cực. Mới đây, chúng tôi đã xuất thêm sản phẩm thứ hai vào Mỹ. Điều này cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã đón nhận sản phẩm.

Người Việt dùng sữa ít hơn thế giới rất nhiều

- NutiFood đã thâm nhập được những thị trường quốc tế rất khó tính. Vậy còn ngay tại Việt Nam, NutiFood đang ở đâu?

Ở trong nước, chúng tôi hiện đứng số 1 về thị phần sữa đặc trị trẻ em và dẫn đầu thị phần sữa bột pha sẵn, là công ty số 2 trong ngành sữa nội. Chúng tôi đang phấn đấu trở thành một trong những công ty sữa hàng đầu khu vực.

- Thị trường sữa Việt Nam hiện tại thế nào trong góc nhìn của bà?

Thị trường đang cạnh tranh khốc liệt nhưng chính sự cạnh tranh đòi hỏi mình phải hoàn thiện, nỗ lực, năng động hơn để phát triển. Đây là điều tốt khi nhìn theo hướng tích cực.

Tôi cũng cho rằng thị trường sữa Việt vẫn còn nhiều cơ hội, nhất là khi tỷ lệ sử dụng sữa trung bình của người Việt còn thấp hơn khu vực và thế giới rất nhiều.

- Sau các hiệp định thương mại tự do lớn Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua, bà có lo lắng sẽ mất "sân nhà" khi sữa ngoại có thể vào Việt Nam với giá rẻ hơn?

- Thật ra, ngành sữa Việt Nam đã toàn cầu hóa từ nhiều năm. Chúng tôi đã đối đầu với nhiều công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, thuộc khu vực thuế nhập khẩu rất thấp hoặc bằng không từ vài năm qua.

Trong ngành sữa, nhất là sữa đặc trị, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của doanh nghiệp nội là hiểu biết sâu sắc về nhu cầu dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của người Việt. Đó cũng chính là lợi thế giúp chúng tôi vượt qua nhiều công ty nước ngoài lớn và đứng số một trong ngành sữa đặc trị trẻ em 3 năm qua.

 

3
Bà Lệ trong một lần trò chuyện cùng Zing.vn đầu năm 2017

- Năm ngoái, NutiFood lấn sân sang thị trường cà phê. Kết quả trong lĩnh vực này của công ty như thế nào?

- Đây là một thị trường rất mới nên chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thăm dò. Hiện chúng tôi đi theo hướng xuất khẩu sản phẩm ra thế giới, bước đầu đã đưa sản phẩm vào một số nước như Pháp, Mỹ. Tôi xin phép không tiết lộ kết quả cụ thể vì đây mới chỉ là bước đầu tiên.

- Bà có dự định phát triển thêm các dòng sản phẩm mới trong tương lai?

- Để phục vụ nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng hơn, thời gian tới chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu ra mắt nhiều sản phẩm mới.

Chúng tôi sẽ phát triển các dòng sản phẩm dinh dưỡng phục vụ nhu cầu hàng ngày của mọi gia đình, mọi lứa tuổi. Mục tiêu của chúng tôi là mang lại những sản phẩm bổ dưỡng, tiện lợi, an toàn và thật sự ngon cho người tiêu dùng Việt Nam và khu vực.

Bà Trần Thị Lệ và CEO hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo là hai người phụ nữ Việt được  Forbes vinh danh trong danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực của châu Á 2019.

Năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của NutiFood là 9.500 tỷ đồng và 828 tỷ đồng.

Nguồn: Valve Men Team tổng hợp từ internet./.