Sá xị Chương Dương 'hồi sinh' dưới tay người Thái

29 tháng 06 2020

Sá xị Chương Dương thoát lỗ, xây nhà máy mới và trở lại nhiều kệ hàng siêu thị sau hai năm nhóm nhân sự liên quan Thaibev tiếp quản.

Sau khi thâu tóm 53,59% cổ phần Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), nhóm cổ đông Thái Lan cũng tiếp quản một trong số các đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương. Bước ngoặt chuyển giao giữa năm 2018, khi ông Neo Gim Siong Bennet chính thức ngồi ghế Chủ tịch HĐQT trong lúc công ty mới thoát khoản lỗ luỹ kế hơn 7 tỷ và cổ phiếu khi ấy vẫn chưa ra khỏi diện cảnh báo.

Ngoài thương hiệu sá xị Chương Dương một thời, di sản mà ban lãnh đạo trước đây để lại cho ông Bennet và nhóm cộng sự là dây chuyền sản xuất theo công nghệ cũ từ những năm 2000 và kế hoạch xây dựng nhà máy mới dang dở trên giấy.

Thế nhưng, nhờ hỗ trợ về mảng phân phối của đơn vị do Thaibev sở hữu là F&N và Sabeco về mảng nhân sự - tài chính, người đứng đầu Chương Dương đang minh chứng sự lột xác của doanh nghiệp này sau gần hai năm tại vị, đúng như lời cam kết xuyên suốt các mùa đại hội đồng cổ đông thường niên.

Trong phiên họp thường niên giữa tuần trước, ông Bennett nói sẽ đưa doanh nghiệp trở lại thời kỳ "là doanh nghiệp thậm chí còn lớn hơn công ty mẹ Sabeco".

Tham vọng hồi sinh doanh nghiệp này không phải mới. Ban lãnh đạo trước đây cũng từng toan tính chiếm lại thị phần từ những "ông lớn" trong ngành như Pepsi, Coca-Cola, Masan... thông qua việc phát triển các dòng sản phẩm không gas và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với thị trường trong nước và khu vực. Phần lớn kế hoạch sau đó thất bại khi họ vẫn vật lộn với thiết bị lỗi thời, ngân sách tiếp thị hạn chế và càng chơi vơi hơn trong cuộc cạnh tranh về giá bán.

sa-xi-chuong-duong-hoi-sinh-duoi-tay-nguoi-thai-1
Sá xị Chương Dương trên một kệ hàng của Bách hoá xanh tại TP HCM.

Rút kinh nghiệm không thể đối đầu trực diện khi nền tảng tài chính lẫn công nghệ thua kém, người Thái chọn cách tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động để ổn định trong ngắn hạn, sau đó cải thiện dần về doanh số.

Công ty gặp mặt tất cả nhà phân phối để sắp xếp lại quy trình, qua đó giúp chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp hai năm gần nhất lần lượt giảm mạnh còn 69 tỷ và 57 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết đã tổng hoà của các chiến lược quản trị nhân sự, quản lý phân phối và khai thác tốt hơn mối liên kết với Sabeco để mua chung nguyên vật liệu.

Đề cao chính sách thắt lưng buộc bụng khiến nguồn thu từ hoạt động bán hàng teo tép qua từng năm nhưng chỉ tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận lại cho thấy tín hiệu sáng sủa hơn. Từ khoản lỗ 3 tỷ đồng năm 2017, công ty chuyển thành lãi 6 tỷ đồng sau đó một năm và nhảy vọt lên gần 17 tỷ đồng năm 2019.

sa-xi-chuong-duong-hoi-sinh-duoi-tay-nguoi-thai-2

Qua giai đoạn chật vật thoát lỗ, công ty bắt đầu mở rộng hệ thống phân phối qua các kênh truyền thống, hiện đại, nhà hàng lẫn bán trên các chuyến bay của Jetstar. Doanh số từ kênh hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng 36%, trong khi số lượng điểm bán tăng gần gấp rưỡi năm trước.

Sá xị Chương Dương được đầu tư mạnh tay hơn về bao bì, khuyến mãi để cải thiện nhận diện thương hiệu. Tại phiên họp thường niên mới đây, Tổng giám đốc Neo Hock Tai Schubert từ chối tiết lộ tỷ lệ đóng góp cụ thể của Sá xị Chương Dương vào tổng doanh thu nhưng khẳng định đây là động lực tăng trưởng trước mắt.

"Chúng tôi vẫn chăm sóc cho sá xị vì đó là một trong những trụ cột. Tuy nhiên, công ty sẽ không lệ thuộc mà còn phát triển thêm những dòng sản phẩm nước giải khát khác tốt cho sức khoẻ bởi đó là xu hướng mới, ông nói.

Cuộc cải tổ danh mục sản phẩm cũng diễn ra trên diện rộng khi công ty nhanh chóng loại bỏ những dòng kém hiệu quả. Danh mục hiện tại chỉ còn một nửa so với 5 năm trước và thể hiện tính tập trung cao hơn vào nhóm nước giải khát truyền thống gồm sá xị, soda và nhóm sản phẩm tốt cho sức khoẻ gồm nha đam, nước uống đóng chai.

sa-xi-chuong-duong-hoi-sinh-duoi-tay-nguoi-thai-3
Tình hình kinh doanh của CDBECO 2014-2020Đơn vị: tỷ đồngDoanh thu thuầnLợi nhuận sau thuế

Việc Chủ tịch HĐQT công ty đồng thời là Tổng giám đốc tại Sabeco là một lợi thế lớn, rút ngắn quá trình xin chủ trương phê duyệt dự án. Sau nhiều năm bàn thảo, lập tổ nghiên cứu và thẩm định dự án xây dựng nhà máy mới nhưng chưa ra được quyết định cuối cùng; tháng 9/2019 công ty được Sabeco đồng ý cho dời nhà máy về khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 và lễ động thổ diễn ra sau đó chưa đầy ba tháng.

Nhà máy dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 11 tới, nâng công suất lên 50 triệu lít một năm. Điều này giúp bài toán tung sản phẩm mới nhưng máy móc thiết bị không đáp ứng nên phải thuê gia công bên ngoài, dẫn đến giá thành sản phẩm khó cạnh tranh với các thương hiệu cùng phân khúc được giải quyết triệt để.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm nay ban đầu là 360 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15 tỷ đồng. Vì lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ nên kế hoạch được điều chỉnh ở mức thận trọng, lần lượt giảm 3% và 26% so với năm ngoái.

"Giai đoạn này là cao điểm tập trung bảo vệ nguồn nhân lực, lên phương án khôi phục kinh doanh thông qua việc tái đầu tư thương hiệu và phát triển sản phẩm. Nếu dịch tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động có thể khởi sắc và trở lại bình thường trong nửa đầu năm sau", ông Bennet cho hay.