Zalo QR
Tổ Chức Y Tế Thế Giới năm 2014 ra báo cáo nói rằng việc uống bia rượu có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng, xơ gan, viêm tụy, tự vẫn, bạo lực và thương tật vì tai nạn. |
Nói chuyện với bất cứ người đàn ông Việt Nam nào về việc rượu bia, sẽ thấy họ than thở coi việc phải đi uống là một gánh nặng. Ai gây cho họ gánh nặng này?
Một vị giám đốc ngay lần đầu tiên gặp đã tâm sự chuyện phải tiếp khách quá nhiều dẫn đến men gan tăng, vị này nhăn nhó chia sẻ kinh nghiệm: "Khi đi khám men gan phải khám lúc mới uống xong mới chuẩn, vì lúc bình thường sẽ không biết thực tế cơ thể của mình bị tác động bởi bia rượu như thế nào". Thế nhưng khi đi ăn thì vị này chủ động uống nhiều như bất kỳ ai, nếu người nào uống ít thì lập tức bị chê là "sức khỏe kém" hay "uống thua cả con gái".
Thật ra tính cách này không phải đâu xa lạ, 99% đàn ông Việt đều như vậy, lúc không khỏe thì mong người khác cảm thông, nhưng hôm nào uống khá thì lập tức tỏ ý coi thường người uống ít hơn mình. Ngay cả với những người phụ nữ không hẳn khoái rượu bia mà khi nhìn thấy một số phụ nữ khác đi ăn cụng ly nước ngọt cũng phải buông một câu dè bỉu.
Một nhân viên nữ mời mọi người ở công ty đi ăn một bữa trước khi nghỉ thai sản, người chồng bị đồng nghiệp ở công ty cô ép uống đến say gần như không biết gì bất chấp việc hai vợ chồng đi xe máy. Cũng may đi được một đoạn thì người chồng chấp nhận để vợ kèm, nếu không đã có thể gây nên hậu quả mà không chỉ hai người phải chịu.
Không chỉ ở nơi làm việc, ngay trong gia đình việc ép uống cũng xảy ra mặc kệ tình trạng sức khỏe của người thân, vì đau dạ dày mà không uống thì cũng là "không tôn trọng người khác".
Có những nước cũng uống nhiều rượu bia, nhưng không ép uống xấu xí như ở Việt Nam. Người Nhật khi uống chỉ cụng ly một lần đầu, sau đấy mỗi người tự uống theo tửu lượng của mình.
Cái lý của người Việt Nam là tất cả mọi người cùng uống như nhau nó mới vui, phải đến say mới thích. Họ không phân biệt được giữa hình thức bề ngoài và tình cảm thật bên trong.
Có người khi đã có chức có quyền rồi thì không phải uống nữa, nhân viên quèn chúc rượu thì chỉ cần giơ ly rượu lên rồi đặt xuống, đấy chính là biểu hiện của việc không chân thành. Cùng là hành động không uống, nhưng chỉ cần thêm một câu nói đại loại như: "Bác đã uống nhiều, bác cám ơn, bác chỉ xin phép nhấp môi" thì mọi thứ khác hẳn, tuy là từ chối nhưng có sự chân tình.
Vấn đề là người Việt đặt tất cả vào chung một rọ: Từ ông có chức có quyền cho đến người đau dạ dày hay một người chồng phải kèm vợ đang có bầu… Tất cả những người không uống đều là không thật lòng hết.
Tính sĩ diện, chuộng hình thức và coi thường người kém hơn là căn nguyên gây ra văn hóa uống rượu bia ở Việt Nam |
Vì sợ bị coi là người không thật lòng, sợ bị cho là kém cỏi, vì sợ mất vui, nên ai cũng cố uống, và sau khi ra về thì chẳng mấy ai vui cả. Phần đông khi về đến nhà thì đều "cho ra ngoài" cả rượu lẫn đồ ăn, ngoài chuyện lãng phí thì việc tổn hại về mặt sức khỏe là điều không nói cũng biết, chưa nói tới hậu quả lâu dài, trước mắt là cả ngày hôm sau không thể vui nổi bởi mệt mỏi không muốn làm gì.
Hầu như ai trên bàn nhậu cũng sợ phải uống nhiều, sợ hậu quả lát nữa về, có khi hôm sau đi làm tất cả những người nhậu hôm qua đều chia sẻ sự khổ sở vì uống nhiều của mình, nhưng mấy hôm nữa ngồi vào bàn thì lại đâu vào đấy, giống như một cái guồng mà tất cả phải theo. Dường như có hai con người cùng tồn tại trong một người đàn ông Việt: Một con người tỉnh táo nói về chuyện nhậu khi không nhậu và một con người trên bàn nhậu.
Ở Việt Nam phổ biến rất nhiều bí quyết khi phải uống, người ta còn làm cả một chương trình hài dạy cách đối phó với bạn nhậu, ví dụ như "giả vờ đưa ly rượu lên thật nhanh nhưng không uống mà hất ra đằng sau" chẳng hạn. Vấn đề là nếu ông nào cũng làm như vậy, cả cuộc có thể mất vài chai rượu tây chỉ để đổ xuống đất rồi sĩ diện với nhau là ta uống khỏe. Lấy lý do là không uống hết mình thì không vui, nhưng như thế là làm khổ nhau chứ vui gì?
Nếu tỉnh táo mà nhìn nhận thì những người ép uống thực chất không phải là những người thân thiết thực sự, có uống thì mối quan hệ cũng chẳng khá hơn, vậy tại sao không dứt khoát với những người không thực sự tốt với mình ấy?
Tóm lại, tính sĩ diện, chuộng hình thức và coi thường người kém hơn là căn nguyên gây ra văn hóa uống rượu bia ở Việt Nam. Những tính cách này không chỉ gây ra nạn rượu bia mà con mang lại nhiều cái xấu xí khác. Để bỏ được thì vô cùng khó.
Trong Thái Căn Đàm - cuốn sách dạy xử thế của Hồng Ứng Minh có câu: "Ngắm hoa lúc vừa chớm nở, uống rượu lúc vừa chớm say, ấy mới là niềm vui thú lớn trong đời".
Để rượu bia là niềm vui chứ không phải nỗi sợ, hãy nhớ tới lúc mình chưa biết uống, lúc mình không khỏe, lúc ra về… để thông cảm với người đối diện. Nếu không muốn gây sức ép cho bản thân, thì đừng tạo sức ép cho người khác. Nếu mình không muốn khổ, thì đừng làm khổ người khác trước đã!
Nguồn: Valve Men tổng hợp từ internet./.