Zalo QR
Hãng dược phẩm Sanofi đặt tổng hành dinh tại Paris và được Pháp tài trợ qua hình thức trợ thuế |
Pháp nói "không thể chấp nhận được" việc hãng dược phẩm khổng lồ của Pháp, Sanofi, ưu tiên cho thị trường Mỹ một khi hãng phát triển được vaccine phòng chống Covid-19.
Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng việc tiếp cận vaccine của các nước với mức độ như nhau là điều "không thể đàm phán".
Thứ trưởng Tài chính Agnès Pannier-Runacher trước đó đã phản ứng trước những bình luận của CEO Sanofi, Paul Hudson, người nói rằng "chính phủ Mỹ có quyền đặt hàng trước với đơn hàng lớn nhất, bởi họ đã đầu tư vào việc rủi ro".
Nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới đang tham gia vào công tác nghiên cứu để tìm vaccine phòng chống Covid-19.
Thông thường sẽ cần vài năm để phát triển ra vaccine.
"Với chúng tôi, sẽ là không thể chấp nhận được nếu như có việc trao quyền ưu tiên tiếp cận cho một nước như thế đối với loại thuốc như thế vì những lý do tài chính," bà Pannier-Runacher nói với kênh phát thanh Sud Radio của Pháp.
Trước đó, hồi đầu tháng, EU đã chủ trì một hội nghị trực tuyến thượng đỉnh toàn cầu nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về virus corona, và đã đạt được các cam kết đóng góp 8 tỷ đô la Mỹ từ 40 quốc gia và các nhà cấp viện.
Ngân khoản được nhằm phục vụ việc phát triển vaccine phòng chống virus corona và điều trị bệnh Covid-19.
EU hôm thứ Năm nói rằng toàn bộ các nước phải có quyền tiếp cận vaccine tương đương nhau.
Hoạt động nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19 của Sanofi một phần được tài trợ bởi Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y Sinh Tân tiến của Hoa Kỳ (Barda).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây Sanofi đã nhận được hàng chục triệu euro từ chính phủ Pháp dưới hình thức trợ thuế nhằm giúp đỡ hoạt động nghiên cứu của hãng.
Hôm thứ Năm, giám đốc tài chính của Sanofi là Olivier Bogillot nói rằng "mục tiêu là có được vaccine cho nước Mỹ cũng như Pháp và Châu Âu cùng một lúc".
Phát biểu trên kênh thời sự BFMTV của Pháp, ông nói rằng điều đó chỉ có thể khả thi "nếu như người châu Âu làm việc nhanh như người Mỹ," và nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết chi "hàng trăm triệu euro".
Hồi tháng trước, Sanofi hợp tác với hãng GlaxoSmithKline (GSK) của Anh để cùng nghiên cứu về một loại vaccine, tuy nhiên việc thử nghiệm vẫn chưa bắt đầu.
Người phụ trách công tác nghiên cứu vaccine ở Sanofi, John Shiver, nói rằng "chúng tôi đang dùng công nghệ có sẵn vốn được đưa ra để xử lý bệnh cúm, và chúng tôi đang áp dụng nó lên loại virus mới, loại gây ra bệnh Covid-19".
Sanofi nói GSK "sẽ đóng góp công nghệ phụ trợ của họ, một thành phần nhiên liệu để bổ sung vào nhằm làm tăng phản ứng miễn dịch, giảm lượng protein cần thiết trong mỗi liều vaccine và tăng mức hiệu quả của vaccine khi đưa vào sản xuất vaccine đại trà".
Loại vaccine mới được trông đợi là sẽ đưa vào thử nghiệm lâm sàng trong nửa cuối năm 2020 và sẽ đem ra ứng dụng và nửa đầu năm 2021.
Nguồn: Valve Men Team tổng hợp từ internet./.