Trong 5 năm trở lại đây, Halico - đơn vị sở hữu các thương hiệu rượu đình đám một thời như Vodka Hà Nội, Lúa Mới… liên tục chìm ngập trong thua lỗ.

Bước ngoặt lịch sử

Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, nhà máy rượu năm xưa đã đổi tên thành Halico với những bước đi vô cùng vững chãi khi tạo được những sản phẩm mang thương hiệu độc quyền của mình như Lúa mới, Nếp mới hay Vodka Hà Nội.

Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần từ tháng 12/2016 với vốn điều lệ 48,5 tỷ đồng. Nhà máy được chuyển thành Công ty TNHH MTV Rượu Hà Nội từ năm 2004 và cổ phần hoá sau đó không lâu với vốn điều lệ ban đầu gần 50 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của công ty này ở mức 200 tỷ đồng.

vang-bong-mot-thoi-halico-troi-vao-di-vang-1
Có lợi thế trên 120 tuổi đời song Halico đang dần thất thế trên thị trường rượu.
Đây cũng là một trong số ít doanh nghiệp chuyên sản xuất rượu lớn nhất tại Việt Nam. Từng có giai đoạn Halico chiếm đa số thị phần tiêu thụ rượu tại phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Công ty này thậm chí từng được đánh giá là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh, với mức tăng bình quân 25% mỗi năm.

Trong suốt khoảng thời gian từ 2008-2012, doanh nghiệp liên tiếp được vinh danh và được công nhận là Thương hiệu thế kỷ, Thương hiệu vượt thời gian, lọt top 300 trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhận huân chương lao động hạng Nhất của Chính Phủ,…

Không những đạt được nhiều giải thưởng danh giá, Halico còn khẳng định vị trí số một trong ngành rượu của cả nước với doanh thu tăng trưởng nhanh chóng, đạt đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trở thành cái tên "số má" trong thị trường đồ uống có cồn tại Việt Nam, Halico ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Tập đoàn Diageo. Đây là công ty rượu lớn nhất thế giới đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff…

Bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử gần 120 năm hoạt động của Halico là ký hợp đồng đối tác chiến lược với Diageo vào năm 2011. Tập đoàn này thông qua một công ty con chi gần 2.000 tỷ đồng để nắm giữ 30% vốn cổ phần và nâng lên 45,57% sau đó. Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và một số cổ đông cá nhân.

Chưa hết đà "chếnh choáng"

Sự hiện diện của hai "ông lớn" trong danh sách cổ đông được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới, giúp công ty cải thiện năng lực quản trị và mở rộng hệ thống phân phối. Tuy nhiên, những số liệu tài chính lại cho thấy chiều ngược lại.

Lợi nhuận doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Nếp mới, Vodka Hà Nội... "lao dốc" kể từ năm 2010 và không có sự tiến triển bất chấp sự góp mặt của hai cổ đông lớn.

Ngoại trừ năm 2012 lợi nhuận tăng vọt nhờ tiền đền bù di dời nhà máy từ Hà Nội sang Bắc Ninh, những năm còn lại chỉ một chiều đi xuống. Halico lần đầu báo lỗ năm 2015 và tăng dần những năm sau đó. Hai năm gần nhất, tổng số lỗ của doanh nghiệp này hơn 150 tỷ đồng.

 vang-bong-mot-thoi-halico-troi-vao-di-vang-2 
Từng có giai đoạn Halico chiếm đa số thị phần tiêu thụ rượu tại phía Bắc.

Theo nhận định của ban lãnh đạo công ty, thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm nói chung và rượu nói riêng ngày càng khắt khe về chất lượng, hình ảnh và bao bì mẫu mã... Halico phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu, đặc biệt là đối mặt với tình trạng trốn thuế, làm hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhân, tạo ra "sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng".

Nhu cầu sản xuất ở mức thấp so với năng lực sản xuất dẫn tới công ty không giảm được giá thành,phải giảm công suất hoạt động xuống mức thấp. Các thương hiệu hiện có mất dần chỗ đứng trên thị trường, những chai Vodka Hà Nội không cạnh tranh được với những thương hiệu ngoại nhập, trong khi những sản phẩm mới không gây được tiếng vang khiến hoạt động của Halico không được cải thiện.

Công ty mẹ của Halico là Habeco cũng xuống dốc, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.100 tỷ đồng năm 2014 xuống còn 539,5 tỷ đồng năm 2019, thị phần giảm từ 21% xuống còn 16%.

Với hoạt động kinh doanh bết bát trong những năm gần đây, lỗ lũy kế của Halico tính tới cuối năm 2019 đã lên tới con số 402,9 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu là 410,6 tỷ đồng. Vốn điều lệ của Halico sau 4 lần tăng vốn hiện đạt 200 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đối với những công ty này, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn vướng mắc để thoái vốn càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại về ngân sách sẽ càng nhiều. Trong nhiều trường hợp, chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn.

Nguồn: Valve Men Team tổng hợp từ internet./.